Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Đà Lạt - Thiên nhiên diệu kỳ, đặc sản phong phú


Gần bốn chục năm rồi kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, mỗi khi  nhắc  đến Đà Lạt, bố tôi vẫn cái giọng náo nức, trầm trồ như vừa mới gặp. Ấy là lần đầu tiên bố tôi được tham gia đoàn cán bộ văn hóa miền Bắc đi thăm một số thành phố miền Nam, trong đó có Đà Lạt. Mỗi bước đi là một bước ngỡ ngàng. Tháng Sáu. Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… nóng như rang. Đến đây, như đến một đất nước khác lạ. Trời mát rượi. Nắng nhạt. Gió lộng. Những thung lũng mây. Bạt ngàn hoa trái. Đâu cũng nghe tiếng thông rì rào, mùi nhựa thông thoang thoảng. Những con thác hùng vĩ: Đak Ta La, Cam Ly, Pren. Những hồ nước đẹp như tranh: Than Thở, Xuân Hương… Đến đây, những khái niệm về thành phố với những nhà cao tầng, đường phố kẻ ô bàn cờ, nhà ống kề nhau san sát, ồn ã xe cộ, mịt mù khói bụi… đều
biến mất. Chỉ còn những con đường thấp thoáng trong thông, uốn lượn theo các ngọn đồi thấp và những ngôi biệt thự, cũng thấp thoáng trong thông. Có thể nói đây là một đại sưu tập biệt thự, không ngôi nào giống ngôi nào. Mỗi biệt thự, với khung cảnh khác nhau có thể vẽ thành vô vàn những tác phẩm hội họa kỳ thú. Nghe nói ở Đà Lạt có họa sỹ chỉ chuyên vẽ các biệt thự của thành phố mình, có nhiều tranh được nhiều người biết đến. Thế mới biết, người Pháp, đặc biệt là bác sỹ Yersin, phát hiện ra Đà Lạt giữa vùng rừng núi hoang dại, cao hơn mặt nước biển gần 1600m, một vùng có khí hậu ôn đới giữa một đất nước nhiệt đới, rồi đổ công, của, kỹ thuật vào đây không biết cơ man nào mà kể, đã cho ta thấy tầm “nhìn xa trông rộng” của chủ nghĩa thực dân.
Khí hậu hiền hòa của Đà Lạt, vẻ đẹp thiên nhiên của Đà Lạt, góp phần không nhỏ tạo ra nếp sống riêng, tâm tình riêng của người Đà Lạt. Người ta thanh thản hơn, thân thiện hơn, ít bon chen hơn, dồn sức vào việc xây dựng một thành phố du lịch ngày thêm đẹp, thêm sức hấp dẫn với du khách bốn phương. Những triền đồi, những vườn kính, những dải phân cách bốn mùa rực rỡ trăm nghìn loài hoa. Ngoài những giống hoa bản địa, người ta còn nhập về rất nhiều laoì hoa quý của các xứ ôn đới. Người ở các làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân của Hà Nội vào định cư ở đây cũng góp phần vào xứ hoa này không ít loài hoa đẹp. Đào thắm, đào phai Hà Nội sánh với mía vàng, anh đào, mimôsa, các loài hoa lan quý khác của Đà Lạt và của tứ xứ.
Rau Đà Lạt ngon nổi tiếng: cải bắp, cải thảo, bó xôi, súp lơ, atiso, cần tây, đậu Hà Lan, cà rốt, susu, cải ngọt, khoai tây, khoai lang…
Đà Lạt còn là thành phố của các loài quả quý. Quả bơ, quả nho, quả dâu của vùng ôn đới có rất nhiều ở đây. Nho và dâu đã cho Đà Lạt tạo được loại vang nổi tiếng – Vang Đà Lạt. Mùa xuân có mận, đào. Những quả đào lông phớt hồng có lớp nhung bọc ngoài, ăn ngọt, chua và giòn. Mùa hè có quả bơ béo và dẻo. Mùa thu có hồng nhiều loại: hồng giòn, hồng tầu, hồng khía, hồng trứng… Mùa đông có dâu tây, dâu tằm…
Chất cần cù, khéo léo của người Đà Lạt đã biến những củ quả ở đây thành nhiều mặt hàng đặc sản quý như khoai lang sấy, hồng sấy, mứt khoai, mứt hồng, mứt dâu, mứt đào, mứt mận… Đà Lạt còn những thứ nước giải khát ép từ nho, dâu, mận, đào…
Cửahàng Nếp Hương vừa nhập về các loại: khoai lang giòn, khoai lang dẻo, khoailang tím, khoai lang mật, các loại kẹo dâu tây, dâu tằm, hồng dẻo, trà Atiso… được khách hàng hoan nghênh.
Đà Lạt còn nổi tiếng về trà. Trà Atiso Đà Lạt có tác dụng chữa bệnh và giải khát. Atiso còn được chế biến thành nhiều món ăn: cuống hoa, nụ hoa cho ta những món hầm thịt, xào thịt, lá Atiso làm rau sống… Hàng chục loại trà ngon của Bảo Lộc đã được du khách truyền tụng và được cả nước biết đến.
Mong sao, trong đà phát triển nhanh và mạnh của một thành phố du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, Đà Lạt luôn giữ được vẻ đẹp không thể trộn lẫn của mình về mọi mặt, nhất là về không gian kiến trúc, về nét thanh lịch, thân thiện đã thành cốt cách. Biết đâu có lúc Đà Lạt trở thành một kỳ quan nhân tạo của năm châu bốn biển.
                                                                             Nếp Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét