Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Hạt bàng Côn Đảo


     Cây bàng Côn Đảo gợi nhớ những hình ảnh xưa nhưng lại mang nhiều đặc trưng của đảo. Bàng Côn Đảo có gốc to lạ thường, ngay trong sân các trại giam mới, dãy bàng đã có gốc một, hai người ôm…

     Thân bàng Côn Đảo mới thật đặc biệt, không nhẵn, thẳng như thấy ở đất liền mà mọc đầy u, bướu to như chỉ thấy ở những cây xà cừ cổ thụ trên đường phố thủ đô. Hôm đầu thấy gốc, thân bàng với u bưới lạ kỳ trong sân trại giam Phú Hải tôi đã thầm nghĩ có lẽ những gậy gộc của cai tù đánh trên thân cây bàng đã tạo nên chăng; sau vài hôm mới thấy, bàng trên đảo đều có thân gốc đặc biệt như thế cả. Lá bàng ở đây rõ ràng dày và xanh hơn ở đất liền; cành cũng chia nhánh thấp hơn, không vươn lên cao rồi mới xòe thành tán như những tán bàng nơi sân trường. Sang thu, bàng Côn Đảo rất sai quả, từng chùm quả to và quanh gốc rất
nhiều quả chín rụng. Những bà già và em nhỏ thường nhặt hàng túi quả trong sân các trại giam xưa ngay gần phố. Những quả bàng này sẽ được phơi khô, đập cho tróc vỏ rồi dùng dao chẻ dọc để lấy được nhân của hột bàng, nhân này sấy khô, tẩm muối hay đường, đóng thành lọ hay gói “mứt nhân bàng”; một món quà có bán ở khắp các nhà hàng cao cấp cho đến ngoài chợ đảo và không ai ở đảo về không mang theo món quà đặc sản này.

     Trong một buổi chiều vắng khách tham quan, ngồi nói chuyện vui về cây bàng Côn Đảo với mấy hướng dẫn viên du lịch của Trung tâm di tích, các bạn trẻ đã nói những câu chuyện của chính các tù nhân xưa, nay trở lại thăm đảo, kể về những tình cảm liên quan mật thiết giữa người tù và bàng. Do quanh năm ăn gạo mốc, cá mục, người tù thường bị kiết lỵ, có khi chỉ còn da bọc xương, không còn ngồi dậy được, chỉ nhờ nhai mấy lá bàng xanh chát do bạn tù cố giấu mang được vào khám dúi cho mà khỏi bệnh. Lá bàng là lượng sinh tố cần thiết cho sức khỏe để chịu đựng, chống lại sự hủy diệt của chế độ tù đày khắc nghiệt nên dù phải chịu roi gậy. Khi cai tù sơ sểnh, người tù cố ngắt cho được lá bàng tươi nhai nuốt vội để thêm sức khỏe và ném cho các bạn cấm cố, biệt giam.

      Tôi đã vội chụp ảnh ngay bức tranh chủ tịch Hồ Chí Minh hiện treo ngay chính giữa phòng trưng bày hiện vật do các tù nhân đã đốt lá bàng khô và nhai nghiền lá tươi để có các màu khác nhau vẽ nên. Trong sự cùm kẹp, soi mói ngặt nghèo, bức tranh vẫn được gìn giữ để kín đáo giương lên trong những ngày kỷ niệm hay trong lễ kết nạp đảng viên mới. Người tù họa sỹ đó không ai còn nhớ tên. Đến cả cây bàng nơi bác Tôn Đức Thắng, người tù thâm niên của Côn Đảo đã từng sử dụng những u, hốc trong một gốc bàng cổ thụ làm hòm thư liên lạc, tránh được mắt kẻ thù nhiều năm, trong vườn sau nhà Ủy ban hành chính hiện nay, cũng không còn nữa.

     Một điểm du lịch cao cấp, kỳ thú của Tổ quốc đang hình thành tại Côn Đảo.…


Nếp Hương (Trích bài “Cây bàng Côn Đảo” của tác giả Ngô Ngọc Liên đăng trên báo Văn Nghệ số 14, ngày 07/04/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét